
Đĩa gốm Chu Đậu
Đĩa gốm Chu Đậu – đồ gốm cổ, men trắng vẽ xanh
Gốm Chu Đậu là gốm sứ cổ truyền Việt Nam – vùng mà nay thuộc làng Chu Đậu và làng Mỹ Xá. Dòng gốm sứ này có thể đã được hình thành và phát triển trong khoảng từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18. Có nguồn nói, nó bị hủy diệt do chiến tranh Lê-Mạc cuối thế kỷ 16.
Loại gốm sứ này thường được nhắc đến với tên gốm Chu Đậu là do lần đầu tiên người ta khai quật được các di tích của dòng gốm này ở Chu Đậu. Sau này, khi khai quật tiếp ở Mỹ Xá (làng bên cạnh Chu Đậu) thì người ta phát hiện ra khối lượng di tích còn đa dạng hơn và có một số nước men người ta không tìm thấy trong số các di tích khai quật được tại Chu Đậu.
Gốm Chu Đậu là dòng gốm nổi tiếng vì màu men và họa tiết thuần Việt. Nó đã từng xuất khẩu sang nhiều nước. Từ cuối thế kỷ XIV đến cuối đầu thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu cùng với những dòng gốm khác của Việt Nam đã có một vị thế quan trọng trong thị trường gốm sứ ở Nhật Bản và ở các nước Đông Nam Á hải đảo đương thời, bằng chứng là sự hiện diện của vô số hiện vật gốm Chu Đậu trong các di chỉ khảo cổ học và trong các con tàu đắm được phát hiện ở Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á trong nhiều năm qua: Malaysia có 9 di chỉ, Brunei có 2 di chỉ, Philippines có 10 di chỉ, Indonesia có 11 di chỉ và Nhật Bản có 30 di chỉ khảo cổ…
